KINH NGHIỆM LUYỆN THI ĐGNL TỪ A TỚI Á

Đánh giá năng lực là kỳ thi được tổ chức bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giúp các bạn học sinh, đặc biệt là lớp 12 có thêm cơ hội đậu vào trường Đại học mong muốn. Theo thông tin từ Báo tuổi trẻ, đã có hơn 80 trường Đại học, Cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để tuyển sinh đầu vào.

Dưới đây là một số kinh nghiệm luyện thi được chia sẻ bởi Quốc Hân – cựu học sinh lớp 12 tại English House. Em đã trúng tuyển bằng phương thức thi ĐGNL với số điểm ấn tượng (900+/1200) và hiện đang là sinh viên tại Đại học Kinh tế – Luật thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.

I. Phần Ngôn Ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh)

1. Tiếng Việt

Tập trung ôn, xem lại những kiến thức Ngữ văn từ cấp 2 đến hiện tại, điển hình như các biện pháp tu từ, loại từ, các thành phần trong câu (chính, phụ, bổ sung ngữ nghĩa), các phép liên kết,…Theo kinh nghiệm của Hân, đề bài phần này sẽ hỏi những chủ đề liên quan đến phó từ, tình thái từ, cặp từ quan hệ,…

Ở phần chính tả, có thể tìm đọc những từ hay bị nhầm lẫn (tham khảo Page Tiếng Việt Giàu Đẹp) vì đây là phần thường gây hoang mang cho thí sinh. Về tác phẩm văn học, nên ôn lại những tác phẩm văn học đã học ở chương trình phổ thông (kể cả bài đọc thêm) để làm tốt một số dạng bài có thể ra thi đi kèm với tác phẩm văn học như điền từ, ý nghĩa của từ trong đoạn thơ/đoạn văn,…

Nhìn chung, tiếng Việt là phần nên được đầu tư vì nếu làm tốt sẽ nâng điểm lên rất nhiều.

2. Tiếng Anh

Đề bài tiếng Anh sẽ không quá khó mà chỉ ở mức cơ bản, đây sẽ là lợi thế với những bạn đang ôn luyện theo các khối thi có tiếng Anh như A1, D,D7. Một số dạng bài thường xuyên gặp là So sánh bằng/hơn, Wordform, 12 thì cơ bản, Pharsal Verbs đơn giản, Tìm lỗi sai,…

Vì đề không đánh đố nên các bạn cần ôn tập kỹ không tránh trường hợp mất điểm “oan”.

II. Toán học, Tư duy logic, Phân tích số liệu

1. Toán học

Những dạng bài thường gặp bao gồm hệ phương trình 3 ẩn, cực trị hàm số tính độ dài đoạn AB, phương trình đường thẳng, mũ – log và số phức chỉ ở mức cơ bản, tích phân có thể bấm máy được. Ngoài ra còn một số dạng bài của lớp 11 như chỉnh hợp, tổ hợp và xác suất.

Phần này không quá khó nên các bạn cứ bình tĩnh là làm bài được nha. Những đề nào có thể sử dụng máy tính cầm tay để thay số vào đề bài thì các bạn nên làm để tiết kiệm thời gian.

2. Tư duy logic, Phân tích số liệu

Lúc thi phần logic Hân làm bằng cách suy luận từ những đáp án đã có, nếu mâu thuẫn với dữ kiện của đề thì sẽ bỏ qua và làm tiếp tục với các đáp án còn lại. Cách này Hân thấy khá nhanh, tuy nhiên, nếu bạn đã có cách làm hiệu quả và quen với cách đó thì cứ tiếp tục nha, không sao hết.

Ở phần phân tích số liệu sẽ ra các dạng biểu đồ tương tự như môn Địa lý, đề bài không quá đánh đố, các câu hỏi chỉ dừng ở mức là cộng trừ nhân chia thôi. Các bạn đọc kỹ đề và suy luận từ từ, nên nghĩ đến những hướng đơn giản luôn chứ đừng phức tạp hóa đề bài, như vậy sẽ dễ “bí” lắm.

Hai phần này nếu làm tốt thì điểm các bạn sẽ khá cao, có hy vọng từ 800 trở lên.

III. Giải quyết vấn đề

Ở phần Lý Hóa Sinh, theo quan sát của Hân thì Lý “dễ thở” hơn so với Hóa Sinh, nên các bạn có thể cân nhắc làm Lý trước để giải quyết những câu mình biết, sau đó mới qua Hóa và cuối cùng là Sinh.

Hóa có thể sẽ ra dạng bài đặc biệt như mô hình điều chế, và đề bài hỏi xoay quanh mô hình đó. Vậy nên các bạn có thể xem sơ những mô hình này trong sách giáo khoa hoặc đề cương của trường, như vậy sẽ không hoang mang khi đọc đề.

Phương châm vẫn là làm chắc những câu đã biết, nếu chưa biết hoặc phân vân đáp án thì bạn cứ đánh dấu và làm những câu tiếp theo, không nên dành quá nhiều thời gian cho một câu vì như vậy bạn sẽ đuối ở những phần sau và có thể không kịp giờ.

Với Sử Địa, Hân thấy không quá khó. Những câu đầu hầu như đáp án đều có trên bài, các bạn chỉ cần đọc kỹ và chọn là được, không nên suy diễn vì có thể sẽ chọn sai. Nếu câu hỏi đã rõ ràng và đáp án cũng rõ ràng, khớp với dữ liệu đề cho thì cứ tự tin chọn nhé!

Tuy nhiên, sẽ có một số câu hỏi “ngoài lề”, lúc này bạn có thể kết hợp với tính logic và kiến thức nền để loại suy đáp án. Ví dụ đề hỏi đặc điểm của Tây Nguyên mà đáp án là thuận lợi đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản thì chắc chắn là sai rồi.

IV. Một số lưu ý

Vì thi liên tục trong 150 phút nên các bạn cần chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết trước ngày thi, nhớ đem Nước và kẹo ngọt theo nha. Khi nào cảm thấy căng thẳng quá thì có thể dừng lại uống nước, ăn kẹo để não hoạt động tốt hơn. Hân thấy cách này hiệu quả lắm.

Có nhiều chiến lược làm bài lắm, nhưng các bạn hãy chọn cách làm mình thấy phù hợp và thoải mái để tự tin thể hiện khả năng nhé. Gần ngày thi không nên đột nhiên thay đổi cách làm vì như vậy bạn sẽ dễ mất bình tĩnh trong phòng thi.

Hy vọng những chia sẻ của Hân sẽ giúp ích được cho các bạn, chúc các bạn ôn luyện và thi tốt!

From Quốc Hân – cựu học sinh 12 khóa 2022

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.